Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động trên đường đi làm
Pháp luật hiện hành về BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc trong trường hợp:
- Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc.
- Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
- Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian hợp lý (khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc) và tuyến đường hợp lý (là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại).
Với quy định trên, trường hợp của ông Duy được đơn vị cử đi công tác và trên đường trở về bị tai nạn thì thuộc đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động. Về chế độ hưởng tai nạn lao động tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn gây nên, cụ thể là:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần tính theo mức suy giảm khả năng lao động: Suy giảm 5% được hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung. Ngoài ra, còn tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng tính theo mức suy giảm khả năng lao động: Suy giảm 31% được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra, còn tính số năm đã đóng BHXH: Từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
- Trong một số trường hợp còn được hưởng trợ cấp người phục vụ; dụng cụ chỉnh hình, trợ giúp sinh hoạt.
Tuy nhiên, để có căn cứ giải quyết chế độ tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện lập đầy đủ, kịp thời hồ sơ theo quy định khi người lao động bị tai nạn lao động.
Thư Viện Pháp Luật