Trong gia đình, người vợ bị xúc phạm, phải giải quyết thế nào?

Chị tôi lấy chồng, đã có hai con, trước đây gia đình vẫn thuận hòa, nhưng thời gian gần đây người chồng lâm vào tình trạng nợ nần nên thường xuyên đánh đập, chửi mắng vợ con, chị tôi lâm vào tình cảnh rất căng thẳng, nhiều lần phải trốn về nhà mẹ đẻ tá túc. Cả nhà tôi đều rất bi quan, không biết phải giải quyết thế nào?

Người chồng có hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ vợ, chửi mắng xúc phạm nhân phẩm, danh dự của vợ là hành vi bạo lực gia đình. Các hành vi đó đều bị pháp luật nghiêm cấm. Về nguyên tắc, các hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mỗi người; đối với phụ nữ, quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được ưu tiên bảo vệ.

Khi xẩy ra bạo lực gia đình, người phát hiện phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xẩy ra bạo lực trừ một số trường hợp đặc biệt như nhân viên y tế, nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình cho nạn nhân bạo lực gia đình. Các cơ quan, người được thông báo nói trên có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, người báo tin về bạo lực gia đình. Các biện pháp có thể được áp dụng như: buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; cấp cứu nạn nhân; các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại  đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân và nạn nhân, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp có đơn yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu và có sự đồng ý của nạn nhân thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi xẩy ra bạo lực gia đình có thể quyết định cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày giữa người có hành vi bạo lực gia đình với nạn nhân nếu người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Trong trường hợp trên, Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng.

Pháp luật cũng đặt ra trách nhiệm cho gia đình trong việc giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào