Quy định đặt tên doanh nghiệp?
Theo khoản 1 Điều 39 luật Doanh nghiệp 2014, trường hợp “đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký quy định tại Điều 42 của Luật này” thuộc trường hợp cấm đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc.
Điểm e khoản 2 điều 42 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cụ thể trường hợp “được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký” là trường hợp “tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký”.
Trong trường hợp này, nếu như doanh nghiệp của bạn đã đăng ký tên riêng, mà doanh nghiệp kia lại lấy tên riêng của doanh nghiệp bạn và thêm chữ “tân” ngay trước thì doanh nghiệp kia đã vi phạm quy định của pháp luật doanh nghiệp về đặt tên doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền không thực hiện việc đăng ký tên doanh nghiệp cho doanh nghiệp kia (nếu chưa đăng ký) hoặc yêu cầu doanh nghiệp kia phải thay đổi tên của doanh nghiệp đó (nếu đã đăng ký).
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp của bạn đã sử dụng tên doanh nghiệp của mình để đăng ký quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng tên thương mại thì tên doanh nghiệp của bạn còn được bảo hộ theo Điều 76 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ. Cụ thể: “Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Do vậy, nếu tên doanh nghiệp kia gần giống tên doanh nghiệp của bạn thì doanh nghiệp đó sẽ không đủ điều kiện bảo hộ đối với tên thương mại của họ.
Theo Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền tự bảo vệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình như: “…b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Như vậy, để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình, bạn có thể yêu cầu doanh nghiệp kia phải xin lỗi, cải chính, thay đổi tên và có thể đòi bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Trong trường hợp doanh nghiệp kia vẫn giữ tên cũ không thay đổi thì doanh nghiệp bạn có thể yêu cầu đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm này hoặc khởi kiện ra tòa án.
Theo Điều 199 Luật sở hữu trí tuệ quy định về biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, “1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Doanh nghiệp của bạn có thể đối chiếu với các quy định nêu trên để xác định mức độ vi phạm của doanh nghiệp kia để lựa chọn các biện pháp xử lý phù hợp nhất bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình..
Thư Viện Pháp Luật