Theo phản ánh của bà Phạm Minh Thu (hpg.pmthu@...), hiện công tác tại Công ty CMA-CGM Việt Nam JSC, bà Thu có tham khảo Điều 12, Thông tư số 05/2013/TT-BCT ngày 18/2/2013 của Bộ Công Thương về vận đơn đường biển đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có quy định: “Vận đơn đường biển đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư này phải là vận đơn đích danh, không được chuyển nhượng”. Vậy với tư cách là người lập ra vận đơn đường biển, bà Thu đề nghị cơ quan chức năng giải đáp: - Trường hợp đề người nhận hàng (consignee) đích danh là 1 doanh nghiệp, có mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất, khi hàng về đến cảng đích, công ty bà tiến hành thủ tục báo cho khách hàng biết về lô hàng. Tuy nhiên, người nhận hàng trên vận đơn từ chối nhận hàng với lý do là không có hợp đồng nào liên quan đến lô hàng. Trường hợp này, người bán hàng yêu cầu đổi tên sang người nhận hàng mới, vậy có được phép không? Điều này có vi phạm quy định “không được chuyển nhượng” không? - Đối với quy định vận đơn đích danh, trường hợp người gom hàng (forwarder) tham gia vào việc làm dịch vụ vận chuyển đường biển cho lô hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Vậy hãng tàu lập 1 bộ vận đơn (B/L) cho người gom hàng thì có được chấp nhận không?
Theo Điều 12 Thông tư số 05/2013/TT-BCT nêu trên quy định vận đơn đường biển đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất phải là vận đơn đích danh, không được chuyển nhượng.
Các mặt hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất theo quy định của Thông tư nêu trên là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên yêu cầu người nhận hàng là doanh nghiệp đã có mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất ghi trên vận đơn đích danh không được phép từ chối nhận hàng và phải chịu trách nhiệm về lô hàng đó.
Trường hợp người gom hàng tham gia làm dịch vụ vận chuyển đường biển cho lô hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất được cấp mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất theo quy định tại Thông tư nêu trên thì hãng tàu có thể lập vận đơn đích danh cho người gom hàng.