Thủ tục xét danh hiệu thi đua
Theo Luật Thi đua khen thưởng và Nghị định số 39/2012 của Chính phủ quy định về hồ sơ xét danh hiệu thi đua như sau: Văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu thi đua; báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể; biên bản bình xét thi đua; chứng nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền đối với sáng kiến, đề tài trong trường hợp đề nghị danh hiệu: “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, "Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương", “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng gồm: Văn bản đề nghị khen thưởng; báo cáo thành tích của cá nhân hoặc tập thể được đề nghị khen thưởng; biên bản xét khen thưởng; chứng nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền đối với phát minh, sáng chế, sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hoặc sáng tác, sáng tạo. Trường hợp đề nghị tặng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan hoặc UBND cấp tỉnh. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng có trách nhiệm công khai tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, “Giải thưởng Nhà nước” và “Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Hồ sơ xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được lưu trữ theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý công tác thi đua, khen thưởng. Trên đây là những quy định chung, bạn làm công tác thi đua khen thưởng cần nghiên cứu kỹ Luật Thi đua khen thưởng và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật để hiểu rõ hơn phụ vụ cho công tác của mình tốt hơn.
Thư Viện Pháp Luật