Giải đáp về tính lãi phạt chậm nộp BHXH
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 138 Luật BHXH và Khoản 2, Điều 49 Luật BHYT, đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư quỹ BHXH trong năm và tiền lãi của số tiền BHYT chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố.
Thực hiện quy định của Luật BHXH, đối với trường hợp chậm đóng do chậm nâng lương, phụ cấp đóng BHXH, BHYT, theo Công văn số 856/LĐTBXH-BHXH ngày 19/3/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ BHXH hướng dẫn như sau:
“Đối với trường hợp người sử dụng lao động nộp hồ sơ điều chỉnh mức đóng BHXH cho cơ quan BHXH trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định hoặc hợp đồng lao động (phụ lục hợp đồng) nâng bậc, nâng ngạch lương đối với người lao động thì không thực hiện tính lãi đối với phần chênh lệch mức đóng BHXH. Trường hợp người sử dụng lao động nộp chậm từ 30 ngày trở lên thì thực hiện tính lãi theo quy định tại Khoản 3 Điều 138 Luật BHXH”.
Trong ví dụ nêu ông Nguyễn Văn A có quyết định nâng lương từ ngày 20/12/2012 thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày 20/12/2012 nếu đơn vị nộp hồ sơ điều chỉnh mức đóng BHXH theo bậc lương mới cho ông A thì không phải nộp tiền lãi của số tiền chênh lệch do tăng lương.
Thư Viện Pháp Luật