Làm sao đòi được quyền nuôi con từ chồng cũ?
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
Để đảm bảo quyền lợi của con sau ly hôn, theo Điều 84 của luật này, pháp luật cho phép được thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong các căn cứ sau:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Như vậy, để được trực tiếp nuôi con, bạn cần làm đơn gửi Tòa án nơi chồng cũ đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú để được giải quyết. Kèm theo đơn là các tài liệu chứng minh người chồng cũ không còn đủ điều kiện để nuôi con như: Quyết định cho thôi việc, Giấy xác nhận hưởng bảo hiểm thất nghiệp…
Bạn cần lưu ý, việc chỗng cũ thất nghiệp không phải là căn cứ duy nhất và quyết định việc tòa án sẽ giao con cho bạn nuôi. Việc giao con cho ai trực tiếp nuôi, tòa án phải căn cứ quyền lợi về mọi mặt của đứa trẻ.
Hơn nữa, thực tế giải quyết các trường hợp xin thay đổi người người trực tiếp nuôi con sau ly hôn cho thấy cha, mẹ không có việc làm không đồng nghĩa không có thu nhập bởi họ vẫn có thể có thu nhập từ cho thuê tài sản, lãi tiết kiệm, cổ tức, được người khác tặng cho... Do vậy, ngoài các tài liệu về việc chồng cũ không có việc làm bạn cần phải bổ sung các tài liệu khác chứng minh việc giao con cho mẹ nuôi sẽ tốt hơn so với giao con cho cha nuôi.
Thư Viện Pháp Luật