Một số nguyên tắc về quản lý nước thải
Ngày 6/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải. Nghị định này quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam. Một số nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải được quy định như sau: Dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung là loại hình hoạt động công ích, được Nhà nước quan tâm, ưu tiên và khuyến khích đầu tư, nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước và xử lý nước thải, bảo đảm phát triển bền vững. Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước. Nước mưa, nước thải được thu gom; nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Nước thải có tính chất nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và các quy định pháp luật khác có liên quan. Hệ thống thoát nước được xây dựng đồng bộ, được duy tu, bảo dưỡng. Ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Thoát nước và xử lý nước thải phải đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành… Nghị định cũng quy định UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu hoặc ủy quyền, phân cấp cho UBND cấp huyện, cấp xã là chủ sở hữu đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; nhận bàn giao lại từ các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới và nhận bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư để kinh doanh khai thác công trình thoát nước có thời hạn
Thư Viện Pháp Luật