Những hành vi bị nghiêm cấm khi bảo vệ, phát triển rừng
Điều 12 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 qui định 16 loại hành vi bị nghiêm cấm như sau: 1. Chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép. 2. Săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép. 3. Thu thập mẫu vật trái phép trong rừng. 4. Huỷ hoại trái phép tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng. 5. Vi phạm các qui định về phòng cháy, chữa cháy rừng. 6. Vi phạm về phòng, trừ sinh vật hại rừng. 7. Lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép. 8. Khai thác trái phép cảnh quan, môi trường và các dịch vụ lâm nghiệp. 9. Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng trái với qui định của pháp luật. 10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái qui định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 11. Chăn thả gia súc trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu rừng đặc dụng, trong rừng mới trồng, rừng non. 12. Nuôi, trồng, thả vào rừng đặc dụng các loại động vật, thực vật không có nguồn gốc bản địa khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 13. Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, diễn biến tự nhiên của rừng; làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật rừng; mang trái phép hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng. 14. Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị rừng sản xuất là rừng trồng trái pháp luật. 15. Phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển rừng. 16. Các hành vi khác xâm hại đến tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng. Hỏi: Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định thế nào về việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng? Trả lời: Căn cứ vào khoản 2 Điều 26 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng được thực hiện như sau: 1. Khi Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần rừng thì chủ rừng được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư, tài sản bị thu hồi. 2. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng được thực hiện bằng các hình thức giao rừng, cho thuê rừng khác có cùng mục đích sử dụng; giao đất để trồng rừng mới; bồi thường bằng hiện vật hoặc bằng tiền tại thời điểm có quyết định thu hồi rừng. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi rừng để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia hoặc để phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt mà không có rừng để bồi thường cho việc tiếp tục sản xuất thì chủ rừng ngoài việc được bồi thường bằng hiện vật hoặc bằng tiền còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề.
Thư Viện Pháp Luật