Việt Kiều mua nhà tại Việt Nam cần giấy tờ gì?
Theo luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 có quy định thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong ba đối tượng được sở hữu Nhà ở tại Việt Nam.
Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với Việt Kiều là họ phải nhập cảnh vào Việt Nam và có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây được gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận, tặng cho, nhân đôi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình cá nhân, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức nhà ở theo quy định pháp luật.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có các giấy tờ cần thiết sau đây:
- Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý, xuất nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu. Hộ chiếu gồm ba loại hộ chiếu: hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao. Hộ chiếu là passport là một loại giấy tờ quan trọng do chính phủ cấp cho công dân nước mình như một giấy phép được quyền xuất cảnh khỏi đất nước và được quyền nhập cảnh trở lại từ nước ngoài.
- Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý, xuất nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo các giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc có giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam (Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch ở Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài) do Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc các giấy tờ khác theo quy định pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, bao gồm:
+ Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kì từ năm 1945 đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2009, trong đó có ghi rõ quốc tịch Việt Nam hoặc có thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam.
+ Giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc các giấy tờ khác do chế độ cũ cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam hoặc do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp trong đó có thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam, cũng được coi là cơ sở tham khảo để xem xét, xác định quốc tịch Việt Nam
Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật bao gồm:
- Giấy khai sinh, trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch của cha mẹ;
- Giấy chứng minh nhân dân- Hộ chiếu Việt Nam
- Quyết định cho nhập quốc tịch. Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam. Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài. Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Căn cứ pháp lý
Điều 7 Luật Nhà ở 2014
"Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này."
Điều 8. Luật Nhà ở 2014
Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở
"1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này."
Điều 5 Nghị định 99/2015/ NĐ -CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
"Giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở
1. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) thì phải có giấy tờ xác định nhân thân đối tượng theo quy định về cấp Giấy chứng nhận của pháp luật đất đai.
2. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau đây:
a) Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;
b) Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có giấy tờ chứng minh đối tượng theo quy định tại Điều 74 của Nghị định này; trường hợp cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài để xác định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam."
Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam
"Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam.
2. Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài.
3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
4. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
5. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam."
Thư Viện Pháp Luật