Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần

Theo phản ánh của ông Hoàng Nam Phúc, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, tuy nhiên, các biện pháp cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có một vài điểm khác biệt. Ông Phúc hỏi: Trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế sẽ áp dụng cưỡng chế theo quy định tại Luật nào? Ngoài ra, qua tìm hiểu khoản 33 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 107) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế quy định về xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, ông Phúc thắc mắc: Quy định tại khoản này có thể hiểu là ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khai sai thuế thì còn bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chậm nộp tiền thuế không? Như vậy có phù hợp với nguyên tắc “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” không?

Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế quy định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm cả cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế khác để thu hồi tiền nợ thuế, tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.

Do việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có đặc thù riêng nên việc cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính thuế ngoài việc áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính còn phải căn cứ vào quy định của Luật Quản lý thuế để áp dụng.

Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ quy định tại Điều 21, Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại khoản 32, 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo mức 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và tiền chậm nộp tiền thuế theo mức lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày; 0,7%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày.

Khi người nộp thuế thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế, đây là biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý thuế; khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Vì vậy, quy định xử phạt tại Điều 107 Luật Quản lý thuế; khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế phù hợp với nguyên tắc một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Kể từ ngày 1/7/2013, người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế thì không bị xử phạt về hành vi chậm nộp mà bị tính tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào