Bị tai nạn khi đang trên đường đi làm có được coi là tai nạn lao động?
Theo Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH, tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn), làm người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, là tai nạn lao động và được trợ cấp.
Và cũng theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH thì trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động vẫn phải trợ cấp cho người lao động.
Theo luật sư, người lao động trên đường di chuyển đến nơi làm việc mà gặp tai nạn (không vì lỗi của người lao động) thì vẫn xem là tai nạn lao động và được chủ sử dụng lao động trợ cấp và hỗ trợ chi phí y tế
Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 04 năm 2015 của Bộ LĐTBXH thì mức trợ cấp cụ thể là:
- Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động;
- Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tra bảng theo mức bồi thường tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 04 năm 2015 của Bộ LĐTBXH.
Thưa luật sư, nếu trường hợp của bạn đọc này được xác định là tai nạn lao động thì ông trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp này như thế nào?
Trong trường hợp được xác định là tai nạn lao động thì Công ty phải có trách nhiệm:
- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật lao động 2012.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các trách nhiệm trên, người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp cho người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động đề yêu cầu giải quyết quyền lợi. Nếu sau 30 ngày đơn khiếu nại không được giải quyết, người lao động có thể gửi tiếp đơn khiếu nại đến Phòng LĐTBXH (cấp huyện) hoặc Thanh tra lao động thuộc Sở LĐTBXH (cấp tỉnh
Thư Viện Pháp Luật