Hỗ trợ ngư dân sửa tàu cá
Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Thông tư số 117/2014 ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản quy định: Việc hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ được quy định như sau: Đối tượng được hỗ trợ: Chủ tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên khi thực hiện duy tu, sửa chữa định kỳ tàu. Mức chi hỗ trợ: Căn cứ hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ của Bộ NN-PTNT, UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ theo chi phí thực tế, nhưng mức chi không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Điều kiện được hỗ trợ: Chủ tàu có tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản thường xuyên trên các vùng biển xa bờ thuộc danh sách tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản được UBND cấp tỉnh phê duyệt và có giấy phép khai thác hải sản (hoặc giấy đăng ký kinh doanh đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản) còn hiệu lực. Tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản không vi phạm các quy định pháp luật về thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ (1 bộ) gồm có: Đơn đề nghị hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ (Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này); bản sao chứng thực giấy xác nhận có hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (Phụ lục 4a hoặc 4b ban hành kèm theo thông tư này); hợp đồng kinh tế về duy tu, sửa chữa tàu; bản sao chứng thực các giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; giấy phép khai thác hải sản đối với tàu đánh bắt hải sản hoặc giấy đăng ký kinh doanh đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản; hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ liên quan đến việc duy tu, sửa chữa tàu. Trên đây là những quy định chung, ông liên hệ với chính quyền địa phương để hoàn tất các thủ tục đề nghị hỗ trợ theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật