Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ vi phạm thời hạn báo trước

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) của tôi với công ty hết hạn, nhưng tôi vẫn tiếp tục làm việc thêm hơn 01 tháng và có đề nghị công ty tăng lương. Công ty không chấp thuận, nên sau đó tôi đã thông báo nghỉ việc với lý do hết hạn hợp đồng. Công ty cho rằng, tôi đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên không trả trợ cấp thôi việc cho tôi và yêu cầu tôi phải bồi thường 02 tháng tiền lương. Đề nghị Quý báo tư vấn, công ty làm như vậy có đúng luật Lao động không?

1.    Quyền lợi của người lao động (NLĐ) tiếp tục làm việc, sau khi HĐLĐ hết hạn, mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) không ký HĐLĐ mới đã được chúng tôi  tư vấn tại Lao động điện tử ngày 15/07/2011. Theo đó, nếu HĐLĐ xác định thời hạn lần thứ nhất hết hạn, NLĐ và NSDLĐ có tối đa 30 ngày để quyết định giao kết/hoặc không giao kết HĐLĐ mới. Đối với HĐLĐ xác định thời hạn lần thứ hai, đến thời điểm hết hạn HĐLĐ, hai bên phải có quyết định chấm dứt hoặc giao kết HĐLĐ mới loại không xác định thời hạn. Nếu quá thời hạn trên, hai bên không có ý kiến gì và NLĐ vẫn tiếp tục làm việc, hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

Như vậy căn cứ vào thông tin anh cung cấp, do HĐLĐ cũ hết hạn quá 01 tháng mà chưa giao kết HĐLĐ mới, nên quan hệ lao động giữa hai bên sẽ đương nhiên được xác lập theo loại HĐLĐ không xác định thời hạn (anh hiểu HĐLĐ hết hạn trong trường hợp này là chưa đúng).

Bộ luật Lao động năm 1994, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002 (BLLĐ) quy định: NLĐ làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày (khoản 3 Điều 37). Theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, ngày 22/09/2003, của Bộ LĐ-TB&Xh thì, việc báo trước thực hiện bằng văn bản và số ngày báo trước của NLĐ trong trường hợp này là ngày làm việc (điểm b khoản 1 Mục III).

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, anh có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn mà không cần nêu lý do (hoặc với bất cứ lý do gì pháp luật không cấm), tuy nhiên anh đã vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi không thông báo nghỉ việc trước ít nhất 45 ngày làm việc.

2.      Đối với thắc mắc của anh về trợ cấp thôi việc và bồi thường thiệt hại, chúng tôi xin trích dẫn các quy định của BLLĐ, như sau:

-    Trong trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương, nếu có (khoản 2 Điều 41).

-    Trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước (khoản 4 Điều 41).

Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH có hướng dẫn thêm về quy định trên:

-     Trường hợp không được trợ cấp thôi việc: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà vi phạm về lý do chấm dứt hoặc thời hạn báo trước quy định tại Điều 37 của BLLĐ (điểm b khoản 2 Mục III).

-     Trường hợp trong các HĐLĐ có một HĐLĐ NLĐ đơn phương chấm dứt trái pháp luật, thì thời gian làm việc theo HĐLĐ chấm dứt trái pháp luật NLĐ không được trợ cấp thôi việc, còn các hợp đồng khác vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc (điểm a khoản 3 Mục III).

Như vậy, NSDLĐ có thể yêu cầu NLĐ bồi thường hai khoản: 1/2 tháng tiền lương (và phụ cấp lương nếu có) và một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước. Về trợ cấp thôi việc, NLĐ không được trả trợ cấp đối với HĐLĐ đơn phương chấm dứt vi phạm thời hạn báo trước. Tuy nhiên, đối với HĐLĐ khác đã hoàn thành trước đó, NLĐ vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào