Thưởng và Nghỉ Tết
1. Điều 64 Bộ luật Lao Động (BLLĐ); khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 31/12/2002, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương:
- “Căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể mà hai bên đã thỏa thuận”.
- “Các doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành Quy chế thưởng để thực hiện đối với người lao động sau khi tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. Quy chế thưởng phải được công bố công khai trong doanh nghiệp”.
Trong thư, anh không cung cấp thông tin, thỏa thuận thưởng trong hợp đồng lao động giữa anh và Công ty như thế nào, Công ty có ban hành Quy chế thưởng không… Nếu trong hợp đồng lao động có ghi: Người lao động được thưởng hàng năm tương ứng với tháng lương thứ 13 tính theo lương cơ bản và thỏa thuận này này không trái với Quy chế thưởng (nếu có) của Công ty, thì thưởng Tết như anh nêu là phù hợp với quy định của pháp luật Lao Động.
2. Về nghỉ phép: Điều 73, Điều 74, Điều 76 BLLĐ; Điều 9 Nghị định số 195/1994/CP ngày 31/12/1994 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của BLLĐ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương… Tết âm lịch: bốn ngày (một ngày cuối năm và ba ngày đầu năm âm lịch); Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.
- Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau đây: 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi; 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.
- Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của BCH Công đoàn cơ sở và phải thông báo trước cho mọi người trong doanh nghiệp.
Như vậy, quãng thời gian nghỉ Tết âm lịch, sau khi trừ 04 ngày nghỉ làm việc theo quy định, những ngày nghỉ thêm khác có thể bị tính vào nghỉ phép. Tuy nhiên, lưu ý thêm các trường hợp:
- Người lao động ở xa, phải đi lại mất nhiều ngày: Khi nghỉ hàng năm nếu đi bằng phương tiện ô tô, tàu thuỷ, tàu hoả mà số ngày đi đường (cả đi và về) trên hai ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm.
- Công ty quy định (hoặc có ghi trong thỏa ước lao động tập thể) thời gian nghỉ Tết âm lịch của Công ty nhiều hơn 4 ngày so với quy định chung: Đây quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động, do Công ty tự nguyện, được pháp luật lao động khuyến khích. Những ngày nghỉ thêm không bị coi là nghỉ phép, hai bên có thể thỏa thuận mức tiền lương trong những ngày nghỉ thêm, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Thư Viện Pháp Luật