Chính sách thôi việc ngay trong tinh giản biên chế
Căn cứ Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Thông tư số 01/2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 108 về chính sách thôi việc ngay như sau: Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau: Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm. Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH (đủ 12 tháng). Vì bạn không nói tuổi đời và hệ số lương mà mẹ bạn đang hưởng nên xin nêu ví dụ mà Thông tư số 01/2015 hướng dẫn như sau: Ví dụ: Bà Nguyễn Thị C 47 tuổi, nhân viên đánh máy thuộc diện tinh giản biên chế, được giải quyết thôi việc ngay từ ngày 1/2/2015, có hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng theo ngạch công chức loại D, ngạch nhân viên, mã ngạch 01.005, bậc 8 (2,76) từ ngày 1/5/2013, có thời gian công tác đóng BHXH là 18 năm 9 tháng. - Tiền lương tháng hiện hưởng của bà C là: 2,76 x 1.150.000đ = 3.174.000đ. - Tiền lương tháng để tính trợ cấp thôi việc theo thời gian làm việc có đóng BHXH cho bà C được tính bằng bình quân tiền lương tháng theo ngạch, bậc thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng), kể từ ngày 1/02/2010 đến ngày 31/1/2015 (bình quân của 60 tháng = 2.500.180đ/tháng). Tiền lương tháng để tính trợ cấp theo thời gian làm việc có đóng BHXH cho bà C là: 2.500.180đ. - Số năm đóng BHXH để tính trợ cấp làm tròn là 19 năm. - Bà C được hưởng các khoản trợ cấp sau: + Trợ cấp tìm việc: 3 x 3.174.000đ = 9.522.000đ. + Trợ cấp thôi việc: 1,5 x 2.500.180đ x 19 năm = 71.255.130đ. Tổng số tiền bà C được nhận khi thôi việc là: 9.522.000đ + 71.255.130đ = 80.777.130đ. Từ quy định và ví dụ mà văn bản Nhà nước quy định, bạn vận dụng vào trường hợp của mẹ bạn để tính các khoản phụ cấp, trợ cấp khi mẹ bạn thôi việc một lần.
Thư Viện Pháp Luật