Điều kiện nào được xác nhận là thương binh?
Điều kiện, quy trình, thủ tục được giám định lại thương tật
Theo ông Thưa trình bày thì sau khi bị thương ông đã được cấp “Giấy chứng nhận bị thương” và được Hội đồng Giám định Y khoa Bệnh viện 7E xác định bị thương tật trong lúc làm nhiệm vụ và tình trạng mất sức lao động là 16%. Như vậy ông là người bị thương có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 5% đến dưới 21%, được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ.
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định này, việc giám định lại thương tật đối với người bị thương được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Người bị thương được kết luận thương tật tạm thời thì sau ba năm được giám định để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn.
- Người bị thương đã giám định thương tật mà bị thương tiếp thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi.
- Người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi.
Nếu ông Thưa thuộc một trong các trường hợp nêu trên, đề nghị ông liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đang cư trú để được hướng dẫn cụ thể.
Điều kiện được công nhận là thương binh
Như đã trả lời ở trên, theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì ông Thưa hiện là người bị thương có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 5% đến dưới 21%, được hưởng trợ cấp một lần.
Trong trường hợp ông thuộc diện được giám định lại và được Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên do thương tật thì ông sẽ được cơ quan chức năng xác nhận là thương binh và thực hiện các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh.
Thư Viện Pháp Luật