Theo phản ánh của cử tri tỉnh Hậu Giang, căn cứ Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương thì không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí nếu từ trần. Trong khi đó, tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 nay đã phục viên thì được hưởng bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí nếu từ trần.
Như vậy, cùng là đối tượng quân nhân xuất ngũ, có thời gian phục vụ quân đội dưới 20 năm nhưng chế độ, chính sách lại không thống nhất, không công bằng. Cử tri kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg để quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội nay xuất ngũ về địa phương được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí nếu từ trần, như chế độ tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Quân nhân, công an nhân dân, công nhân, viên chức, thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và khi từ trần được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định pháp luật hiện hành về chính sách bảo hiểm xã hội.
Như vậy, quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước hưởng chính sách theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí theo quy định tại Quyết định nêu trên.
Theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí.