Trường hợp nào được điều trị ở bệnh viện tuyến trên?

Gia đình ông Đinh Hùng Quyết (dinhhungquyet@...) trú tại xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, bố ông là người dân tộc thiểu số nên được cấp thẻ BHYT. Bố ông Quyết mắc bệnh ung thư, đã điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được 2 tháng, sau đó chuyển xuống điều trị tại Bệnh Viện K cơ sở 2. Tại đây, gia đình ông đã trả trước một phần viện phí để bố ông điều trị dài ngày. Ngày 18/12/2013, sau khi kết thúc đợt hoá trị thứ 3, Bệnh viện hướng dẫn gia đình ông về địa phương làm thủ tục để được cấp thẻ BHYT cho năm 2014, đồng thời làm giấy chuyển viện từ tuyến huyện, tỉnh lên Bệnh viện K để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, sau khi nhận được thẻ BHYT, ông Quyết đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để xin giấy chuyển viện thì Bệnh viện không cấp giấy và yêu cầu bố ông điều trị ngay tại Bệnh viện. Hiện tại bệnh án và tiền điều trị của bố ông Quyết vẫn được lưu giữ tại Bệnh viện K. Ông Quyết hỏi, trường hợp của bố ông có được chuyển viện để được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện K không?

Theo quy định, việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên do cơ sở khám, chữa bệnh quyết định, phụ thuộc vào tình trạng người bệnh và khả năng chẩn đoán, điều trị của cơ sở tuyến dưới.

Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có Khoa Ung bướu được trang bị máy xạ trị, kết hợp với dùng hóa chất để điều trị cho người bệnh mắc bệnh ung thư. Bên cạnh đó, Khoa luôn nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Bệnh viện K nên đảm bảo điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất và giảm chi phí cho người bệnh khi phải đi về Hà Nội điều trị.

Như vậy, để giải quyết vấn đề này, bố của ông Quyết có thể đề nghị Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chuyển đến Bệnh viện K điều trị thêm một đợt nữa sau đó chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị tiếp tục.

Trường hợp khó khăn, ông Quyết có thể liên hệ với thường trực Giám định BHYT của BHXH tỉnh Phú Thọ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh để được tư vấn giải quyết.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào