Bộ LĐTBXH trả lời ý kiến cử tri về việc nâng mức chuẩn nghèo
Chuẩn nghèo hiện hành theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ là căn cứ để nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2015.
Tuy nhiên, ngay từ khi ban hành chuẩn nghèo năm 2011 thì chuẩn nghèo cũng đã thấp hơn so với thực tế lúc đó. Việc xác định chuẩn nghèo như vậy là để xác định nhóm người nghèo nhất cần ưu tiên hỗ trợ trước phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước.
Đến nay, do ảnh hưởng từ tình hình lạm phát và suy thoái của nền kinh tế nước ta trong những năm gần đây, trên thực tế mức chuẩn nghèo hiện hành theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg càng không còn phù hợp vì không được cập nhật chỉ số trượt giá hàng năm (CPI). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, tại Công văn số 3461/LĐTBXH-BTXH ngày 14/10/2011 về việc hướng dẫn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quy trình tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương thử nghiệm phương pháp xác định các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo hướng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 do Tổng cục Thống kê công bố vào quy trình điều tra, rà soát. Tuy nhiên, do phương pháp tiếp cận còn khá mới và khó khăn chung về nhân sự, tài chính nên nhiều địa phương chưa thể thực hiện được theo phương pháp này.
Đối với các tiêu chí trong Bộ công cụ điều tra, xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo áp dụng chung trên cả nước, trong tổ chức thực hiện hàng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp thu phản ánh của các địa phương và có Công văn hướng dẫn bổ sung gửi các địa phương trước thời điểm xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn.
Theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, từ nay đến năm 2015 vẫn tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nghiên cứu đề án đổi mới phương pháp tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều nhằm đảm bảo sự công bằng, hạn chế bỏ sót đối tượng, làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm nghèo sau năm 2015.
Thư Viện Pháp Luật