Vay vốn từ gói 30.000 tỷ, có phải mua bảo hiểm tín dụng?
Triển khai chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CPngày 7/1/2013 của Chính phủ, ngày 15/5/2013, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện cho vay.
Để tạo điều kiện cho khách hàng được vay vốn theo chương trình, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để các ngân hàng cho vay với thời hạn dài (tối đa 10 năm) và lãi suất thấp (hiện nay là 5%/năm). Các ngân hàng phải hoàn trả lại nguồn vốn cho Ngân hàng Nhà nước theo tiến độ trả nợ vay của khách hàng.
Quy trình, thủ tục cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng đối với khách hàng thực hiện theo cơ chế thương mại và theo quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các ngân hàng phải xem xét thẩm định, quyết định cho vay và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định cho vay của mình.
Do đó, để đảm bảo khả năng trả nợ của khách hàng thì bên cạnh việc thẩm định về thu nhập khách hàng, một số ngân hàng yêu cầu khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm tín dụng nhằm mục đích đảm bảo khoản nợ sẽ được công ty bảo hiểm trả thay khách hàng nếu phát sinh sự kiện bảo hiểm làm khách hàng không trả được nợ theo hợp đồng tín dụng.
Như vậy, việc mua bảo hiểm không chỉ đảm bảo xử lý rủi ro tín dụng cho ngân hàng, mà còn giúp khách hàng được hỗ trợ khi mất khả năng trả nợ.
Việc ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm tín dụng không trái với các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng.
Về phí bảo hiểm thì từng ngân hàng sẽ có cách tính với các chính sách khác nhau, tùy thuộc vào thời hạn đóng phí bảo hiểm và dư nợ của khách hàng tại thời điểm đóng phí.
Đề nghị ông Nguyễn Trung Hiếu liên hệ với Vietcombank để trao đổi, nắm thêm thông tin và thỏa thuận với ngân hàng về việc tham gia bảo hiểm tín dụng khi tiếp cận gói tín dụng này.
Thư Viện Pháp Luật