Không có di chúc, chia thừa kế như thế nào?

Căn nhà hiện tại em đang ở do cha và mẹ em đồng đứng tên và chỉ có 3 người trong hộ khẩu. Tiền mua nhà đất được phía nội cho cha em vào năm 2000 với giá 16 cây vàng (đến nay ông bà nội đều đã mất) và hiện giờ, mẹ em đang chuẩn bị xây lại nhà do nhà đã bắt đầu xuống cấp. Chi phí xây nhà dự tính khoảng 800 triệu VNĐ, trong đó có 200 triệu VNĐ do phía tỉnh hỗ trợ trong dự án mở rộng đường. Trước khi cưới mẹ em, cha em đã từng có 1 người vợ (nay đã li dị) và 3 người con đều đã trên 30 tuổi. Hiện tại họ đang sống ở tỉnh khác nhưng vẫn còn liên lạc với phía gia đình em. Em muốn hỏi, trong trường hợp không có di chúc, căn nhà trong tương lai sẽ được phân chia như thế nào?

Hiện tại căn nhà đứng tên cha mẹ bạn, do đó theo quy định tại điều 33 luật hôn nhân và gia đình, căn nhà này là tài sản chung của cha mẹ bạn và thuộc sở hữu chung hợp nhất. Mặt khác, tài sản đã có giấy chủ quyền đứng tên cha và mẹ bạn cho nên người vợ trước của cha bạn không có bất kỳ quyền sở hữu nào đối với căn nhà này cả.

Về vấn đề phân chia di sản sau khi người để lại di sản qua đời, nếu không có di chúc thì di sản sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người thừa kế theo pháp luật. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (điểm a khoản 1 điều 676 bộ luật dân sự – BLDS). Những người thừa kế này được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người thuộc hàng thừa kế sau (hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ ba chỉ được hưởng di sản nếu không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn sống tại thời điểm mở thừa kế, không có quyền hưởng di sản thừa kế, bị truất quyền thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.

Theo khoản 1 và khoản 2 điều 66 luật hôn nhân và gia đình:

“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

…”

Theo đó nếu mẹ bạn mất không để lại di chúc, cha bạn sẽ là người quản lý căn nhà. Nếu có yêu cầu về chia tài sản thì di sản được phân chia sẽ là 50% giá trị căn nhà nói trên những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn gồm ông bà ngoại của bạn (nếu ông bà còn sống vào thời điểm mẹ bạn mất), cha bạn và bạn. 50% giá trị căn nhà sẽ là tài sản riêng của cha bạn trong khối tài sản chung sau khi mẹ bạn mất và trở thành di sản của cha bạn và cũng được phân chia theo pháp luật cho những người thừa kế sau khi ông mất nếu ông không để lại di chúc.

Tương tự như vậy nếu cha bạn mất không để lại di chúc, mẹ bạn sẽ là người quản lý di sản. Những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha bạn là: ông nội, bà nội của bạn, mẹ bạn, bạn và 3 người con riêng của ba bạn. Những người thừa kế này được hưởng phần di sản bằng nhau trong 50% giá trị tài sản chung của bố mẹ bạn.

Trong cả hai trường hợp trên, trường hợp việc yêu cầu chia di sản của những người thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình (chẳng hạn nếu mẹ bạn còn sống, tài sản chung là căn nhà duy nhất của mẹ con bạn, nếu phân chia tài sản này cho những người thừa kế thì mẹ con bạn không có nơi để ở…) thì mẹ bạn có quyền yêu cầu tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế (điều 686 BLDS, khoản 3 điều 66 luật hôn nhân và gia đình).

Trường hợp cha mẹ bạn chết cùng thời điểm thì cha mẹ bạn không được hưởng thừa kế của nhau, di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng (điều 641 BLDS).

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa kế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào