Cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự của trẻ em
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông tin cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã khi phát hiện các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.
2. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.
3. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp chủ trì, liên quan chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa ngược đãi, xâm hại, bạo lực, trừng phạt trẻ em cho cha, mẹ, người giám hộ, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã, giáo viên trong các cơ sở giáo dục và trẻ em.
4. Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em ở gia đình, nơi công cộng.
Thư Viện Pháp Luật