Nhắn tin xúc phạm, vu khống ở mức nào thì bị khởi tố?
Theo như bạn trình bày, bạn bị người quen nhắn tin quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm và vu khống, hành vi của người này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi của người này có thể bị xử phạt hành chính hay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 121, Điều 122 của Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009 quy định về Tội làm nhục người khác, Tội vu khống như sau:
“Điều 121. Tội làm nhục người khác:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 122. Tội vu khống:
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm….”
Như vậy, nếu những hành vi của người này vi phạm quy định như trên thì bạn làm đơn tố cáo hành vi của người này và các chứng cứ cần thiết đến cơ quan công an nơi bạn cư trú để tố giác tội phạm.
Về trách nhiệm hành chính, căn cứ Điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện:
Điều 19. Vi phạm các quy định về sử dụng dịch vụ viễn thông và thuê bao viễn thông:
1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng, cho thuê, cho mượn thiết bị đầu cuối thuê bao, hàng hóa viễn thông chuyên dùng để chuyển lưu lượng điện thoại quốc tế trái quy định của pháp luật;
b) Sử dụng dịch vụ viễn thông để thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông.
Mặt khác, quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông theo khoản 4 Điều 12 Luật viễn thông 2009:
Điều 12. Các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông:
1. Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
2. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những thông tin bí mật khác do pháp luật quy định.
3. Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.
4. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
5. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật.
6. Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, mức phạt này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức căn cứ Điều 12 Nghị định 174/2013/NĐ-CP : “1. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VI tại Nghị định này được áp dụng đối với tổ chức. Cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.” Do đó, bạn có thể báo cáo sự việc này lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý vi phạm hành chính.
Thư Viện Pháp Luật