Tìm hiểu thủ tục ủy quyền chuyển bảo hiểm thất nghiệp
Điều 5 Thông tư 03/2013/TT-BLĐTBXH quy định:
“1. Đăng ký thất nghiệp theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc để đăng ký thất nghiệp. Trường hợp người lao động có nhu cầu đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm không phải là nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì khi đăng ký thất nghiệp phải có xác nhận về việc chưa đăng ký thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đã làm việc trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”
Như vậy sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động vợ bạn phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi vợ bạn đã làm việc trước đây để đăng ký thất nghiệp hoặc đề nghị xác nhận chưa đăng ký thất nghiệp để được đăng ký thất nghiệp ở Trung tâm giới thiệu việc làm của địa phương khác. NLĐ chỉ được uỷ quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng theo Khoản 4 Điều 7 Nghị định 127/2008/NĐ-CP.
Nếu vợ của bạn chưa đăng ký thất nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (nơi làm việc) thì phải trực tiếp đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
Sau khi đăng ký thất nghiệp, vợ của bạn tiến hành thủ tục chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 6 Điều 1 Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH:
“Điều 10. Chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có nhu cầu chuyển hưởng đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải làm đơn đề nghị chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có trách nhiệm giới thiệu chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đề nghị của người lao động kèm theo bản sao quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề (nếu có); bản chụp các bản thông báo về việc tìm kiếm việc làm, quyết định tạm dừng và tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có) và thông báo bằng văn bản với Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động đó.
Trong thời hạn 10 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày người lao động nhận giấy giới thiệu chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp giấy giới thiệu chuyển hưởng và các giấy tờ nêu trên đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi chuyển đến để Trung tâm Giới thiệu việc làm đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp (kèm theo bản sao quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp) và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định. Giấy giới thiệu chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư này.
Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện.”
Trường hợp vợ bạn ủy quyền cho bạn nhận trợ cấp thất nghiệp thì phải có văn bản ủy quyền công chứng.
Thư Viện Pháp Luật