Cộng dồn thời gian đóng BHXH đối với cán bộ xã
Việc tính cộng nối thời gian công tác đối với cán bộ xã, phường, thị trấn được quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT/BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Thông tư số 24/2013/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2013 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 29/2013/NĐ-CP. Theo đó, đối với cán bộ cấp xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 1/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH (bao gồm cả trường hợp được điều động, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trước ngày 1/1/1998). Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016, trong đó quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; đồng thời cũng quy định người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được lựa chọn đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Như vậy, trường hợp của ông, sẽ được cộng dồn thời gian công tác tại xã hưởng phụ cấp theo Nghị định 09/1998 để tính thời gian đóng BHXH để nghỉ hưu theo quy định chung.
Thư Viện Pháp Luật