Về biên chế và chế độ của cán bộ làm công tác tiếp công dân
Về biên chế công chức làm công tác tiếp dân
Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị đã đưa ra chủ trương "Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới). Trường hợp có yêu cầu tăng thêm biên chế phải có đề án được cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ".
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, biên chế công chức được xác định trên cơ sở xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu ngạch công chức.
Vì vậy, để thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có căn cứ xác định biên chế công chức đúng và đủ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới của TP. Hải Phòng, trong đó có biên chế công chức làm công tác tiếp công dân, UBND TP Hải Phòng căn cứ quy định tại Nghị định 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ, Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ, khẩn trương tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của thành phố, đặc biệt chú ý đến các cơ quan, tổ chức hành chính thành lập mới hoặc các cơ quan, tổ chức được bổ sung chức năng, nhiệm vụ.
Từ đó, xây dựng kế hoạch biên chế công chức hàng năm của địa phương, trong đó có biên chế làm công tác tiếp dân gửi Bộ Nội vụ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về chế độ, chính sách và việc thành lập cơ quan chuyên trách
Thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới tiếp công dân, Liên Bộ Tài Chính và Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 16/3/2012 quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Do vậy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân hiện nay đã được Nhà nước quan tâm và đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-BTP.
Về việc thành lập cơ quan tiếp công dân chuyên trách từ cấp quận, huyện trở lên, hiện nay, Chính phủ đang giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân. Trong đó, có hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Ban Tiếp công dân.
Thư Viện Pháp Luật