Đăng ký giao dịch bảo đảm nhà ở hình thành trong tương lai có được không?
Theo quy định tài Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm quy định về tài sản bảo đảm như sau:
“1. Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai gồm:
a) Tài sản được hình thành từ vốn vay;
b) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;
c) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.”
Đối với trường hợp thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, khoản 2 Điều 147 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình; tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó”.
Từ quy định nêu trên có thể thấy doanh nghiệp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam. Khách hàng của bạn (là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) không phải là tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam nên không được nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của doanh nghiệp khác, do đó không thể thực hiện được việc đăng ký thế chấp để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định của pháp luật được.
Thư Viện Pháp Luật