Di chúc miệng có giá trị không?
Thứ nhất ta sẽ xác định tính hợp pháp của lời nói của bố bạn về việc chia di sản trước khi chết.
Do bố bạn không để lại di chúc mà chỉ nói miệng với mọi người về việc sẽ chia tài sản thế nào, lời nói miệng này sẽ được coi là di chúc hợp pháp và mọi người phải thực hiện theo lời nói này nếu đáp ứng được các yêu cầu được quy định tại khoản 5 Điều 625 Bộ luật Dân sự.
“Điều 652. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”
Trường hợp của gia đình bạn theo dữ liệu cung cấp cho chúng tôi chưa xảy ra việc này. Do đó mà gia đình bạn không bắt buộc phải chia cho hai người cháu và số tiền cho hai người hàng xóm vay cũng không bắt buộc phải để cho em bạn, gia đình bạn có thể thỏa thuận phương án chia di sản dựa trên sự đồng ý của mọi người nếu không thỏa thuận được thì di sản sẽ được phân chia theo pháp luật.
Thứ hai về vấn đề phân chia di sản theo pháp luật như thế nào?
“Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;”
Căn cứ theo điểm a,b khoản 1 Điều 657 Bộ luật dân sự, bố bạn không để lại di chúc và lời nói bằng miệng là di chúc không hợp pháp nếu gia đình bạn không tự thỏa thuận phân chia di sản được thì sẽ tiến hành phân chia di sản theo pháp luật tức là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Cụ thể căn cứ theo Điều 676 BLDS : Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy với gia đình bạn hàng thừa kế thứ nhất sẽ là bốn chị em và ông nội, bà nội(nếu còn). Đối với hàng thừa kế thứ nhất này sẽ được phân chia hưởng di sản bằng nhau tức là sẽ chia đều cho mỗi người một phần bằng nhau.
Tuy nhiên cần lưu ý, bởi mẹ bạn đã mất cách đây 10 năm, nên trong khối tài sản hiện tại có tài sản chung của vợ chồng mà bố mẹ bạn đã có trước đây. Nếu như những tài sản nào hình thành trước thời điểm mẹ bạn mất thì phần của bố bạn chỉ là 50% và chia theo pháp luật giá trị bằng 50% đó. Phần tài sản 50% trong khối tài sản chung giữa bố bạn và mẹ bạn trước đây là di sản của mẹ bạn để lại, về nguyên tắc gia đình phải khai nhận di sản thừa kế, nhưng bởi mẹ bạn đã mất 10 năm nên tài sản đó đã thuộc sở hữu chung của những người trong hàng thừa kế của mẹ bạn bao gồm: Bố bạn, anh chị em bạn và ông bà ngoại của bạn (nếu còn). Do thời điểm này, bố bạn cũng đã mất nên phần tài sản bố bạn thừa kế từ mẹ bạn lại tiếp tục là di sản bố bạn để lại cho anh, chị em của bạn và ông bà nội (nếu còn). Như vậy cần xác định cụ thể tài sản của bố bạn để lại là 50% giá trị của những tài sản hình thành từ thời điểm mẹ bạn còn sống, 100% giá trị tài sản hình thành sau khi mẹ bạn qua đời và 100% của phần giá trị tài sản được thừa kế từ khối tài sản mẹ bạn để lại trong khối tài sản chung với bố sau khi mẹ qua đời.
Thư Viện Pháp Luật