Quy định thời gian làm việc tại siêu thị
Người sử dụng lao động có quyền quy định về thời giờ làm việc theo ngày hoặc theo tuần phù hợp với các điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong Nội quy lao động hoặc trong Thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, quy định về thời giờ làm việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật tại Điều 104 và Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012.
Theo như bạn trình bày, trong tuần có 4 ngày làm ca, từ 7h30 – 15h hoặc 14h30 – 21h (giờ mùa đông, được nghỉ 30 phút để ăn cơm) là khoảng 26 giờ, tức là vào khoảng 07 giờ/ ngày. Một ngày làm từ 7h30 – 21h (được ăn + nghỉ 2 giờ) = 11,5 giờ. Và 2 ngày làm từ 7h30 – 22h (thứ 7, chủ nhật, được ăn + nghỉ 2 giờ) = 25 giờ, tức là riêng thứ 7, Chủ nhật bạn phải làm khoảng 12,5 giờ/ ngày. Tuy nhiên, bạn không cung cấp thông tin công ty bạn quy định thời giờ làm việc theo ngày hay theo giờ nên:
Căn cứ vào quy định “trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày” thì nếu siêu thị nơi bạn đang làm quy định thời giờ làm việc theo tuần thì công ty bạn đã vi phạm luật lao động vào hai ngày thứ 7 và Chủ nhật. Cụ thể, siêu thị của bạn đã yêu cầu nhân viên làm việc vượt 0.5 giờ so với quy định của Bộ luật Lao động.
Ngoài ra, theo như bạn trình bày, siêu thị của bạn làm việc 62,5 giờ/ tuần (vượt 14,5 giờ/ tuần so với quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 48 giờ/ tuần). Như vậy, với một tháng gồm 4 tuần thì tổng thời giờ làm thêm của người lao động trong siêu thị của bạn là 58 giờ/ tháng vi phạm quy định về việc bảo đảm số giờ làm thêm không được quá 30 giờ/ tháng.
Thư Viện Pháp Luật