Vợ ở nhà nấu cơm nên không được chia nhà chung?

Năm 2009, tôi lấy chồng nhưng không được ý nhà chồng nên vợ, chồng tôi cứ mâu thuẫn lục đục hoài. Giữa năm 2014, tôi nộp đơn ly hôn và xin được nuôi con (hai tuổi). Tòa án hòa giải đoàn tụ một lần nhưng không thành. Khi tòa chưa cho ly hôn thì chồng tôi mất vì tai nạn giao thông. Mẹ chồng tôi nhiều đòi lấy căn nhà chung của chúng tôi (trị giá hơn một tỷ đồng) và bà ấy đưa cho tôi 100 triệu đồng để dọn đi. Bà cho rằng nhà này do con trai bà đi làm xây dựng nhà, còn tôi chỉ ở nhà lo nội trợ và tôi đã nộp đơn ly hôn nên không được chia tài sản. Mẹ chồng tôi nói vậy đúng không? Có phải tại tôi đòi ly hôn nên không được chia tài sản của chồng? Phạm Thị Bích Hiền ([email protected])
 Do vụ việc của bạn  xảy ra năm 2014 nên áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chứ không áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (có hiệu lực ngày 1-1-2015).  Theo Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì yêu cầu toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó. 

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây: Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề  nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

Như vậy, mẹ chồng bạn cho rằng tài sản chung của vợ chồng bạn là do con trai bà ấy làm ra, còn bạn chỉ lo nội  trợ nên không được chia là không đúng.

Ngoài ra, căn cứ Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác 

1. Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

2. Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

Mặc dù bạn đã nộp đơn ly hôn nhưng chưa được tòa án cho ly hôn nên vẫn xem là quan hệ vợ chồng. Căn cứ vào quy định trên thì khi chồng bạn chết thì bạn vẫn được thừa kế di sản của chồng.

Tại Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Tóm lại, về tài sản chung thì vợ, chồng bạn mỗi người được chia ½. Do chồng bạn mất không có di chúc nên ½ tài sản của anh ấy sẽ là di sản thừa kế theo pháp luật. Căn cứ vào hàng thừa kế thì hai mẹ con bạn sẽ được chia hai phần trong khối di sản chồng bạn để lại. 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào