Trường hợp nào phải giám định lại tỷ lệ khuyết tật?

​ Tôi là Nguyễn Thị Minh Hiền, có địa chỉ tại Hà Nội. Con gái tôi sinh năm 2001. Khi con tôi được 6 tháng tuổi, gia đình phát hiện cháu bị bệnh não úng thủy. Con tôi đã được phẫu thuật lần đầu lúc 7 tháng tuổi, phẫu thuật lần hai khi 13 tuổi. Hiện, con tôi bị liệt nửa người bên phải. Gia đình tôi đã làm đơn đề nghị hưởng chế độ đối với người khuyết tật cho con gửi lên phường, trong đó có hồ sơ bệnh án và giấy giám định sức khỏe của Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Sau khi tổ chức họp, địa phương kết luận, con gái tôi phải chuyển lên tuyến trên có trình độ chuyên môn mới kết luận được tỷ lệ khuyết tật. Tôi muốn biết, hồ sơ bệnh án của con tôi vẫn còn nhưng địa phương yêu cầu đi giám định lại như vậy có đúng không? Nguyền Thị Minh Hiền - Hà Nội

Theo quy định tại Điều 15 Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12, việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện (Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập theo quy định tại Điều 16, Luật Người khuyết tật).
Trong các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:
- Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật.
- Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
- Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.
Trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.
Theo nội dung câu hỏi của bà Hiền thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã (địa phương) nơi bà cư trú không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật. Do vậy Hội đồng phải gửi đối tượng lên khám giám định tại Hội đồng Giám định y khoa là đúng theo quy định của pháp luật.
Gia đình bà cần gặp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã nơi bà cư trú để  được hướng dẫn, giải quyết.
 

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào