Nơi cư trú của người chưa thành niên
Căn cứ Luật Cư trú ngày 11/7/2013 và Nghị định số 31/2014 ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định nơi cư trú của công dân như sau: Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định như đã nêu trên thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn. Chỗ ở hợp pháp bao gồm: Nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; nhà khác được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Luật quy định nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Luật quy định trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó. Từ quy định nêu trên của pháp luật và trường hợp của em, khi các cháu đăng ký khai sinh em không làm thủ tục đăng ký thường trú cho các cháu và hiện tại em cùng các cháu lại không thường trú ở địa phương từ nhiều năm nên không giải quyết (phường từ chối). Trường hợp này theo quy định thì các con của em có quyền được đăng ký thường trú theo cha mẹ nhưng hiện nay gia đình em không có mặt tại địa phương. Do vậy, em phải mang các giấy tờ (sổ hộ khẩu, giấy tờ chứng minh về nhà ở, giấy khai sinh của các cháu), đến nơi đăng ký thường trú do công an quận, huyện nơi em có hộ khẩu trình bày và xin được hướng dẫn các thủ tục đăng ký thường trú cho các cháu (có thể bị xử phạt hành chính do đăng ký thường trú muộn thì em trình bày các lý do của gia đình).
Thư Viện Pháp Luật