Bị can cạy cửa xe tù bỏ trốn tại chịu thêm hình phạt tù đến 5 năm?
Như thông tin báo chí đã đăng tải Vụ việc xảy ra sáng 3/4 khi nghi can Dương Hồng Hạnh (30 tuổi, trú đội 9, Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên) được di lý từ trung tâm huyện Na Hang (Tuyên Quang) về TP Tuyên Quang để phục vụ điều tra, xét xử.
Khoảng 7h sáng, xe chở phạm di chuyển đến địa bàn thôn Hòa Đa (xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa) trong điều kiện trời mưa to, gió lớn kèm mưa đá. Vận tốc di chuyển của xe ở mức độ vừa phải. Bất ngờ Hạnh cạy được cửa thông gió phía trên thùng xe, trèo lên nóc xe và nhảy xuống đường. Do địa bàn rừng núi hiểm trở, nghi phạm có nhiều nơi ẩn nấp. Cảnh sát và các lực lượng hỗ trợ phải tổ chức vây bắt, đón lõng ở nhiều cung đường. Sau gần 6 giờ, Hạnh rời vị trí ẩn nấp, vào một nhà dân để xin tiền và nhờ đưa ra đường cái nhằm bắt xe trốn chạy. Nhận tin báo từ người dân, công an đã tới bắt Hạnh trở lại xe thùng, tiếp tục hành trình di lý về trại tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang.
Phạt tù đến 5 năm
Theo quy định tại Điều 311 Bộ luật hình sự 1999 về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử thì người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Trường hợp của bị can Hạnh, bị bắt về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy trước đó và đã bị cơ quan chức năng khởi tố điều tra. Bỏ trốn khi đang bị dẫn giải, không phạm tội có tổ chức và không dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải nên sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1 điều 311 Bộ luật hình sự 1999 với mức cao nhất của khung hình phạt là đến 5 năm tù.
Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực vào ngày 01/07/2016 tới đây quy định tội danh này ở Điều 386 với tên tội danh là tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử. Khung hình phạt tại khoản 1 được giảm xuống từ sáu tháng tới 3 năm tù.
Nhập vụ án để điều tra
Trường hợp này không áp dụng quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo quy định tại điều 51 Bộ luật hình sự 1999 bởi bị can chưa được xem là người có phạm tội. Một cá nhân chỉ bị xem là tội phạm khi có bản án kết tội của tòa án. Như vậy việc bị can Hạnh vi phạm quy định tại điều 311 Bộ luật hình sự 1999 được xem là một hành vi độc lập và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh độc lập với tội tàng trữ trái phép chất ma túy mà bị can này đang bị khởi tố và điều tra.
Tuy nhiên bởi tính chất liên quan của hai hành vi, xảy ra khi dẫn giải bị can về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy nên cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể áp dụng quy định tại điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
“Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự.”
Nếu nhập vụ án để xét xử trong cùng một vụ án, sẽ áp dụng quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.
Nếu không nhập vụ án mà khởi tố, truy tố và xét xử về các tội danh riêng biệt, thì áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án để quyết định hình phạt.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Thư Viện Pháp Luật