Thủ tục đăng ký kết hôn ở xã khu vực biên giới
Theo Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015 ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký kết hôn ở xã khu vực biên giới như sau: + Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú. + Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân; trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã, hồ sơ đăng ký kết hôn gồm các giấy tờ sau đây: Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định; hai bên nam, nữ có thể sử dụng 1 tờ khai chung; Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ xác nhận công dân nước láng giềng hiện tại là người không có vợ hoặc không có chồng; Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc. Nếu hai bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký giấy chứng nhận kết hôn, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký, ghi rõ họ tên trong sổ hộ tịch, giấy chứng nhận kết hôn; mỗi bên vợ, chồng được cấp 1 bản chính giấy chứng nhận kết hôn. Trên đây là các thủ tục đăng ký kết hôn ở xã khu vực biên giới. Bạn nghiên cứu vận dụng.
Thư Viện Pháp Luật