Quyền lợi của người được thừa kế theo di chúc là gì?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Một người chết mà có để lại di chúc hợp pháp thì tài sản của họ sẽ được chia theo di chúc. Tuy nhiên, Điều 669 Bộ luật Dân sự có quy định một trường hợp ngoại lê như sau:
“Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Đối chiếu với quy định trên thì nếu mảnh đất mà chú của bạn để lại cho bạn và em họ của bạn là di sản duy nhất hoặc phần di sản còn lại mà thím được hưởng ít hơn 2/3 so với phần được hưởng theo pháp luật thì thím của bạn vẫn có quyền được hưởng một phần di sản đối với thửa đất mà chú bạn để lại cho 2 bạn. Tuy nhiên, việc thím bạn tự ý làm thủ tục sang tên toàn bộ di sản mà không được sự đồng ý của những người thừa kế khác là trái quy định của pháp luật. Nếu việc hòa giải tại UBND xã không thành thì bạn hoặc những người thừa kế khác có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế, đồng thời yều tòa án hủy các giấy tờ sang tên tài sản mà thím bạn đã thực hiện (nếu thím bạn đã thực hiện được việc này). Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ ngày chú của bạn chết. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp này là:
- Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất (nếu không có người thừa kế ở nước ngoài);
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất (nếu trong số những người thừa kế có người ở nước ngoài).
(Theo Điều 25, Điều 33, Điều 34, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự)
Thư Viện Pháp Luật