Vấn đề quản lý xe taxi
Liên quan tới việc quản lý xe taxi, Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP đã quy định cụ thể về đối tượng (chỉ cho phép các DN, hợp tác xã (HTX) tham gia kinh doanh), cũng như các điều kiện bắt buộc DN, HTX phải thực hiện (đăng ký kinh doanh; số lượng, chất lượng phương tiện; hợp đồng lao động với lái xe; nơi đỗ xe, bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông; trung tâm điều hành…).
Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6/8/2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cũng đưa ra những yêu cầu rất cụ thể.
Theo đó, DN, HTX phải niêm yết tên và số điện thoại; bảng giá cước tính tiền theo km, giá cước tính tiền cho thời gian chờ đợi và các cho phí khác mà hành khách phải trả.Xe có sơn biểu trưng (logo) của DN, HTX và phải đăng ký với cơ quan quản lý. Có đồng hồ tính cước đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và kẹp chì.
Thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không gây phiền hà
Đối với việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải, để được cấp giấy phép này, các DN, HTX cần phải có các loại giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ GTVT ban hành.
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đỗ xe hoặc hợp đồng thuê đất đỗ xe.
- Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải.
- Phương án kinh doanh.
- Danh sách xe kèm theo bản photo Giấy đăng ký xe (kèm theo bản sao hợp lệ hợp đồng cho thuê tài chính; hợp đồng thuê tài sản; cam kết kinh tế đối với các trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định này), chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận theo dõi an toàn giao thông; hồ sơ đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải; hồ sơ lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc giữa trung tâm điều hành và các xe đã đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện với cơ quan có thẩm quyền.
- Giấy phép có giá trị 7 năm.
Còn để được cấp phù hiệu cho phương tiện thì trước tiên đơn vị kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Sau đó, đơn vị kinh doanh cần gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở GTVT nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở GTVT có trách nhiệm cấp phù hiệu cho đơn vị kinh doanh vận tải.
Như vậy, việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý hoạt động xe taxi đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, HTX, thủ tục hành chính đơn giản, thời gian giải quyết nhanh gọn, không gây phiền hà.
Thêm chế tài để quản lý hoạt động của xe taxi tại Hà Nội
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT tại TP. Hà Nội còn bộc lộ mặt hạn chế như, tình trạng xe taxi dù, xe taxi của đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải tại các địa phương khác về hoạt động kinh doanh thường xuyên trên địa bàn đã gây mất trật tự an toàn giao thông, không bảo đảm quyền lợi cho hành khách khi đi xe taxi.
Nhiều hiện tượng khách nước ngoài, khách là những người ở các tỉnh khác về Hà Nội khi đi những xe taxi này đã bị lừa đi cung đường dài để tính cước tăng cao hơn nhiều so với quãng đường đi đúng hoặc làm sai lệch đồng hồ tính cước.
Để tăng cường quản lý trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, đồng thời cũng là một biện pháp để bảo vệ hành khách, người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ vận tải khách bằng xe taxi tại Hà Nội; Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT ngày 26/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT và Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT. Trong đó, có quy định riêng đối với các đơn vị có Giấy phép kinh doanh loại hình taxi do Sở GTVT TP. Hà Nội cấp.
Theo quy định này, riêng xe taxi của các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải do Sở GTVT TP. Hà Nội cấp phải có phù hiệu “TAXI HÀ NỘI”. Phù hiệu này có giá trị 24 tháng và không quá thời hạn sử dụng của phương tiện.
Để triển khai Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT, Sở GTVT TP. Hà Nội đã có kế hoạch chi tiết và thông báo cho các đơn vị được biết, với phương châm phục vụ các DN một cách tốt nhất.
Đối với các đơn vị đến kỳ đổi phù hiệu xe taxi thì chỉ đạo bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ, thu phí cấp đổi theo quy định.
Đối với các đơn vị chưa đến kỳ cấp đổi phù hiệu nhưng phải thực hiện theo quy định mới về phù hiệu thì không thu lệ phí cấp đổi.
Ngoài ra, chỉ đạo Thanh tra Sở tổ chức đi dán phù hiệu tại các đơn vị, bảo đảm các DN không bị gián đoạn trong hoạt động và ảnh hưởng đến việc kinh doanh của đơn vị.
Phối hợp với Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và Thanh tra GTVT, các lực lượng chức năng xử lý nghiêm tình trạng hoạt động xe taxi dù, xe taxi không đủ điều kiện kinh doanh tại Hà Nội.
Do Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT mới có hiệu lực thi hành nên trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ thường xuyên phối hợp và trao đổi với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là UBND TP. Hà Nội để hướng dẫn, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bộ GTVT sẽ thường xuyên tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh của Hiệp hội taxi Hà Nội cũng như các ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân khác đối với những vấn đề có liên quan tới quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để từ đó đưa ra các giải pháp, quy định phù hợp hơn trong công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Thư Viện Pháp Luật