Bộ GTVT trả lời phản ánh về việc kiểm soát tải trọng xe
Phản ánh “đăng kiểm cho phép hạn mức tải trọng thấp so với thực tế xe có thể chở được” là chưa chính xác vì cơ quan đăng kiểm căn cứ trên các quy định pháp lý để quy định tổng tải trọng của phương tiện được phép tham gia giao thông (Trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông theo quy định tại Thông tư số 06/VBHN-BGTVT ngày 7/2/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ).
Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện rà soát, đánh giá lại tình hình kết cấu hạ tầng đường bộ trong cả nước để có căn cứ nâng cao trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của phương tiện cơ giới đường bộ.
Để giảm áp lực cho vận tải đường bộ
Đối với nội dung phản ánh “nếu làm đúng quy định, sẽ gây ra những vấn đề: xe phải chở hàng nhiều lần gây ra lưu lượng giao thông tăng, dẫn đến ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giá thành vận chuyển tăng nên kéo theo giá thành sản phẩm đến người tiêu dùng cũng sẽ tăng”, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam và các đơn vị kinh doanh vận tải khối lượng lớn tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời để tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ và tăng cường năng lực vận tải cho đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức. Theo đó:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải chủ đạo trực thuộc Bộ phải công bố công khai năng lực vận tải hành khách, hàng hóa, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng phương tiện, trang thiết bị xếp dỡ; bổ sung những trang thiết bị, phương tiện cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống vận tải của doanh nghiệp và khả năng kết nối với các phương thức khác. Trước tiên là thiết bị xếp dỡ container tại các ga hàng hóa đường sắt, cảng sông lớn và đầu tư nâng cấp, đổi mới đoàn phương tiện, thiết bị xếp dỡ theo hướng ưu tiên cho vận tải đường thủy nội địa, đường sắt.
- Tuyên truyền và khuyến khích các chủ hàng chuyển sang sử dụng vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường sắt, vận tải sông pha biển và vận tải biển nhằm hỗ trợ vận tải đường bộ, tăng khối lượng luân chuyển hàng hóa qua cảng và ga đường sắt.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để phổ biến các quy định, các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa một cách chính xác, đầy đủ kịp thời. Lập đường dây nóng để xử lý các vi phạm về việc lợi dụng tăng cước bất hợp lý và tiêu cực trong việc triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ.
- Tập trung tổ chức vận tải hợp lý trên các hành lang vận tải chính trên cơ sở khai thác tối đa ưu thế về kết cấu hạ tầng hiện có của từng phương thức vận tải; tận dụng tối đa năng lực của luồng, tuyến, các ICD, các kho, bến bãi hàng hóa tại các cảng biển, các ga đường sắt.
- Nhanh chóng đưa Sàn giao dịch vận tải hàng hoá vào hoạt động, triển khai xây dựng khung giá cước vận tải của từng phương thức vận tải và đưa ra các tiêu chí đảm bảo điều kiện kết nối giữa các phương thức vận tải trong việc khai thác các công trình đầu mối vận tải hành khách và hàng hóa.
Để giảm tải cho vận tải đường bộ, ngày 6/7/2014, tại Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng tiếp tục công bố tuyến vận tải ven biển phía Nam, từ Kiên Giang đến Bình Thuận.
Từ đó theo tính toán có thể hạ giá thành vận tải (giá cước giảm so với vận tải bằng phương tiện đường bộ).
Thư Viện Pháp Luật