Hỏi về vấn đề đổi giấy khai sinh cho con sau khi ly hôn
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, được xemlà biện pháp cuối cùng mà pháp luật cho phép thực hiện đối với trường hợp cuộc sống vợ chồng rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích hôn nhân không đạt được. Căn cứ theo Điều 51, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã quy định:
Vợ, chồng hoặc cả 2 người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn; Cha, mẹ và những người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi 1 bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc người đó bị mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, hay làm chủ được hành vi của mình; chồng không được quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hay vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nhưng, điều kiện này chỉ áp dụng đối với chồng mà không áp dụng đối với vợ. Trong trường hợp vợ đang có thai hay đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy mâu thuẫn giữa vợ chồng sâu sắc, tình cảm yêu thương giữa vợ chồng đã cạn, nếu duy trì quan hệ hôn nhân sẽ bất lợi cho sức khỏe của mình, của thai nhi hoặc con mới sinh, mà vợ có yêu cầu ly hôn thì tòa án vẫn thụ lý đơn yêu cầu xin ly hôn của vợ và giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Như thế, đối chiếu những quy định trên, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết vụ việc ly hôn.
Về vấn đề yêu cầu làm lại giấy khai sinh cho con, theo quy định của Điều 27, Bộ luật Dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong những trường hợp dưới đây:
Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây ra nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tình cảm gia đình, tới danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; Căn cứ theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về vấn đề thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hay cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; căn cứ theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hay người con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ và ngược lại; thay đổi họ, tên của người bị thất lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống; thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính; những trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Vì con trai bạn sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, có quan hệ cha - con đẻ và được luật pháp công nhận, bảo hộ. Vì thế, tòa án khi xử ly hôn cũng không được tước quyền làm cha của người chồng đối với cháu bé. Do vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của 1 bên là vợ hoặc chồng thì phải được sự đồng ý của bên kia.
Như thế, chỉ sau khi có được sự đồng ý của chồng thì bạn mới có quyền đổi họ cho con trai mình. Sau khi có văn bản đồng ý, bạn phải hoàn thiện hồ sơ: Tờ khai (theo mẫu), bản gốc giấy khai sinh của con, một số giấy tờ liên quan để lấy căn cứ cho việc thay đổi (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu…) sau đó mang nộp tại UBND cấp xã/phường (nơi đăng ký khai sinh trước đây) để giải quyết việc thay đổi cho con trai mình.
Thư Viện Pháp Luật