Trẻ em bị điện giật ở chung cư, ai phải chịu trách nhiệm
Theo quy định tại Điều 623 của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Pháp luật bắt buộc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
Trường hợp chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Về chủ sở hữu, do bạn không nói rõ ai, đơn vị nào là chủ sở hữu nên chúng tôi đưa ra một số tình huống để bạn xác định đúng chủ thể phải bồi thường thiệt hại như sau:
Trường hợp thứ nhất, bị điện giật ở khu vực thuộc hệ thống tải điện do công ty, xí nghiệp điện lực quản lý. Trường hợp này công ty, xí nghiệp điện lực là đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp thứ hai, hệ thống điện thuộc chủ đầu tư tòa nhà quản lý thì chủ đầu tư tòa nhà phải bồi thường.
Trường hợp thứ ba, bị điện giật do dây điện của người dân lắp đặt để sử dụng cho công việc của họ thì cá nhân lắp đặt, sử dụng đường dây phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Do tính chất đặc thù của nguồn nguy hiểm cao độ nên tại khoản 3 Điều này pháp luật còn quy định chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy với các quy định nói trên thì người bị điện giật ở nơi công công sẽ được chủ sở hữu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp họ có lỗi cố ý (leo trèo nghịch ngợm, phá hoại, trộm cắp…) dẫn đến bị điện giật.
Trường hợp bị thiệt hại về sức khỏe, theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự, người bị thiệt hại sẽ được bồi thường các khoản sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Ngoài ra, họ còn được bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Trường hợp bị thiệt hại về tính mạng, theo quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự người thân thích của người bị thiệt mạng được bồi thường các khoản sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ngoài ra, người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Thư Viện Pháp Luật