Nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản.
Theo quy định của Luật Viên chức và Thông tư số 07/2013 ngày 8/3/2013 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản, trong đó có quy định nhiệm vụ của cô đỡ thôn, bản như sau: Tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em: - Tư vấn về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 05 tuổi; - Tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi; - Hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho trẻ ăn hợp lý. Thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai: - Quản lý thai nghén, phát hiện những trường hợp thai có nguy cơ cao và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời; - Đỡ đẻ đường dưới ngôi chỏm cho phụ nữ mang thai khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ; - Xử trí ban đầu các trường hợp xảy ra tai biến trong quá trình đẻ tại nhà và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời. Định kỳ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà: Hướng dẫn thực hiện kế hoạch hoá gia đình, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, viên thuốc uống tránh thai theo quy định của Bộ Y tế; Phối hợp tham gia thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản; Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã; tham gia các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn do cơ quan y tế cấp trên tổ chức để nâng cao trình độ; Quản lý và sử dụng hiệu quả túi cô đỡ thôn, bản; Thực hiện ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã. Ngoài những quy định nêu trên thì các em còn phải thực hiện đúng những quy định của một viên chức và quy định của ngành y tế.
Thư Viện Pháp Luật