Thời hạn xét xử phúc thẩm
Tại Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về thời hạn xét xử phúc thẩm: Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn sáu mươi ngày; Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày mở phiên toà, Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án. Tại Điều 243 quy định việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao quyết định... Đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, trừ các trường hợp quy định tại Điều 261 (hoãn chấp hành hình phạt tù). Từ quy định nêu trên, đối chiếu với vụ việc bạn nêu thì vụ án này đã quá thời hạn xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên trong năm 2015 và năm 2016 khi thực hiện Luật Tổ chức Tòa án (mới) thì Tòa phúc thẩm TANDTC có sự thay đổi chuyển thành Tòa án cấp cao. Do có sự thay đổi về tổ chức, bộ máy liên quan đến bổ nhiệm thẩm phán tòa cấp cao nên việc xét xử các vụ án không đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Tuật tố tụng hình sự. Việc cho các bị cáo tại ngoại đối với tội nghiêm trọng được luật cho phép nhưng tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định.
Thư Viện Pháp Luật