Hỏi về vấn đề giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn

Hai vợ chồng tôi chung sống với nhau 5 năm và có 1 cháu gái gần 4 tuổi. Nhưung, chúng tôi không đăng ký kết hôn. Vì điều kiện sống khó khăn, và nhiều lần vợ tôi đã bế con về nhà mẹ đẻ. Tới nay, tôi đang làm chủ 1 salon tóc thu nhập ổn định. Tôi đang sinh sống cùng nhà với bố mẹ ở thành phố, cách trường học 800 m. Trình độ văn hóa của tôi cao hơn vợ và thời gian tự do không bị ràng buộc. Vợ tôi thì ở quê đường sá không thuận tiện (chưa có internet, truyền hình cáp...) chỉ là một nhân viên bán hàng, nhà vợ tôi xa trường học khu vui chơi. Mới đây vợ tôi lại bé con về nhà cha mẹ và cắt đứt liên lạc với tôi. Tôi muốn khởi kiện ra tòa án để giành quyền nuôi con tôi, xin hỏi tôi phải làm thủ tục gì?

Căn cứ vào quy định tại khoản 2 điều 53, khoản 1 điều 14, điều 15 luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ), 2 bạn sống chung với nhau tuy nhiên không có đăng ký kết hôn vì thế không được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Trường hợp 2 bạn có yêu cầu ly hôn thì tòa án nhân dân sẽ thụ lý đơn và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng của hai bạn. Riêng những yêu cầu về con chung vẫn được giải quyết căn cứ theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con (cụ thể trong điều 81, 82, 83, 84).
Qua một số thông tin bạn cung cấp, con chung của 2 bạn hiện gần 4 tuổi – tức là đã trên 36 tháng tuổi vì thế không thuộc trường hợp đương nhiên được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Việc quyết định giao con cho bố/ mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trong trường hợp 2 bên không tự thỏa thuận được sẽ do Tòa án nhân dân quyết định căn cứ vào những quyền lợi về mọi mặt của con chung. Do vậy, để có giành được quyền nuôi con, bạn phải chứng minh được nếu giao con cho bạn trực tiếp nuôi, chăm sóc sẽ cho cháu bé có được môi trường sống cũng như điều kiện phát triển tốt hơn người mẹ về các mặt – theo những lợi thế mà bạn đã trình bày và thể hiện thiện chí đảm bảo nếu bạn được quyền trực tiếp nuôi con, bạn sẽ tôn trọng quyền thăm nom, chăm sóc con của mẹ.
Ngược lại, thông qua những việc mẹ cháu bé không có sự đồng ý của bạn đã tự ý mang con đi và cắt đứt liên lạc với bạn, gây cản trở tới tình cha con, bạn hoàn toàn có thể đưa ra những vấn đề lo ngại trước hội đồng xét xử rằng nếu có quyết định của tòa án nhân dân giao quyền trực tiếp nuôi con cho người mẹ thì có thể quyền cũng như nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục con của bạn sẽ không đảm bảo.
Hơn thế nữa, trường hợp sau khi khởi kiện yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng của hai bạn mà tòa án quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi mà người mẹ hoặc những thành viên trong gia đình người mẹ cản trở việc thăm nom, chăm sóc con của bạn thì bạn vẫn có quyền gửi đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con. Nếu lúc này cháy bé đã đủ 7 tuổi thì ngoài việc xem xét những điều kiện thuận lợi để chăm sóc, giáo dục con như đã nêu ở trên, tòa án nhân dân còn xem xét nguyện vọng của người con để đưa ra những quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Về hồ sơ thủ tục, bạn có thể gửi đơn khởi kiện ly hôn (yêu cầu không công nhận là vợ chồng) trong đó cần nêu rõ yêu cầu được giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con đến tòa án nhân dân cấp Huyện nơi người vợ có hộ khẩu thường trú. Kèm theo bản sao đã chứng thực sổ hộ khẩu (nếu 2 người vẫn có chung hộ khẩu) hoặc giấy xác nhận thường trú hoặc bản sao có chứng thực hộ khẩu của người vợ này; giấy khai sinh của con chung và các tài liệu để chứng minh tài chính, những điều kiện khác để chứng minh rằng bạn có thể trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con tốt hơn người mẹ về mọi mặt, đảm bảo quyền lợi tối ưu cho con để thuyết phục Tòa án nhân dân xem xét và trao quyền nuôi con cho mình.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đăng ký kết hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào