Làm rách, hỏng hóa đơn có bị xử phạt?
Tại khoản 10, Điều 3 Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn hướng dẫn các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn bao gồm:
- Phạt cảnh cáo, áp dụng đối với hành vi vi phạm về hóa đơn không gây hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm về hóa đơn là 50 triệu đồng;
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, một số hành vi vi phạm về hóa đơn quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11 Thông tư này còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về hóa đơn, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa.
Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình.
Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình.
Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên thi áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ.
Tại Điều 4 Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại khoản 1, Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tình tiết giảm nhẹ như sau: Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
Tại khoản 4, Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
"4. Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn khi hóa đơn chưa đến thời gian lưu trữ, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn. Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.
Trường hợp người bán tìm lại được hóa đơn đã mất (liên giao cho khách hàng) khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người bán không bị phạt tiền.
Trường hợp người bán làm mất, cháy, hỏng các liên hóa đơn đã lập sai và đã xoá bỏ (người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho các hóa đơn đã lập sai và đã xoá bỏ) thì người bán bị phạt cảnh cáo.
Trường hợp trong cùng một thời điểm, tổ chức, cá nhân thông báo mất nhiều số hóa đơn cho cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân gộp nhiều lần mất hóa đơn để báo cáo cơ quan thuế thì xử phạt theo từng lần mất hóa đơn.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) có liên quan đến bên thứ ba, bên thứ ba do người bán thuê thì xử phạt người bán theo quy định tại điểm này”.
Căn cứ các quy định trên, đối với trường hợp hoá đơn bị hỏng do nguyên nhân khách quan trong quá trình lập (hoá đơn khi in bị lỗi cắn giấy, máy in lệch dòng, mờ chữ, trùng chữ), doanh nghiệp không đóng dấu giao khách hàng mà đã lập hoá đơn thay thế để giao cho khách hàng thì được xác định là hành vi vi phạm về hoá đơn không gây hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và xử phạt cảnh cáo theo quy định tại điểm a, khoản 10, Điều 3 Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính.
Thư Viện Pháp Luật