Giải đáp một số thắc mắc về chế độ vùng ĐBKK
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 19/9/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 1 Nghị định số 19/2013/NĐ-CP thì trường hợp giáo viên ông Hải hỏi không thuộc đối tượng sắp xếp, luân chuyển. Do vậy, giáo viên này khong được hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP, mà được hưởng phụ cấp công tác lâu năm theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc thuyên chuyển được ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền của giáo viên này là thuyên chuyển theo nguyện vọng cá nhân khác với việc sắp xếp, luân chuyển được ghi trong Nghị định 19/2013/NĐ-CP.
Trường hợp hưởng trợ cấp lần đầu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 116/2010/NĐ-CP thì cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường được hưởng chế độ trợ cấp lần đầu, thời gian và mức trợ cấp được tính theo Điều 6 Nghị định 116/2010/NĐ-CP (thời gian phải đủ 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam trở lên).
Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng chế độ trợ cấp lần đầu theo Điều 10 Nghị định 19/2013/NĐ-CP nhưng phải thuộc diện luân chuyển có thời hạn và được ghi trong quyết định luân chuyển.
Chế độ khi nghỉ thai sản và đi học
Theo quy định tại mục c khoản 1 Điều 8 của Thông tư liên tịch số08/2011/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 116/2010/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian nghỉ sinh (nghỉ việc) và được hưởng BHXH thì không được tính hưởng phụ cấp thu hút. Còn phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vẫn được hưởng bình thường theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP.
Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi học theo quy định tại điểm a mục 2 của Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi nói trên.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong thời gian đi học 3 tháng đó, họ vẫn tranh thủ tham gia giảng dạy theo phân công của đơn vị thì họ vẫn được xem xét để hưởng phụ cấp ưu đãi (thời gian không tham gia giảng dạy liên tục phải dưới 3 tháng).
Ngoài ra, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tạo điều kiện khi được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ thì được đài thọ tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo), tiền học phí và thanh toán tiền mua vé tàu, xe, tiền thuê chỗ ở, phụ cấp công tác trong thời gian đi học theo chế độ công tác phí hiện hành.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học theo quy định tại mục a khoản 1 Điều 8 của Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 116/2010/NĐ-CP, thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng ĐBKK từ 1 tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp thu hút.
Theo đó, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức đi học trong thời gian nghỉ hè (nghỉ phép) thì trong điều kiện cụ thể, đơn vị xem xét để tính hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp khi đi làm việc, nhưng phải đảm bảo các chế độ khác của người lao động liên quan đến chế độ phép.
Chế độ với nhân viên trường học
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 61/2006/NĐ-CP thì nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là đối tượng được hưởng theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP.
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người hợp đồng lao động thì cán bộ quản lý, nhà giáo, viên chức (nhân viên Y tế, Thiết bị, Thư viện, Kế toán, Văn phòng) là đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
Như vậy, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngoài là đối tượng được hưởng Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, Nghị định 19/2013/NĐ-CP còn là đối tượng được hưởng của Nghị định 116/2010/NĐ-CP. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng theo quy định của văn bản được ban hành sau (theo quy định tại khoản 3 Điều 83 Luật 17/2008/QH12).
Thư Viện Pháp Luật