Chế độ đối với người có công nuôi dưỡng liệt sĩ

Ông Nguyễn Văn Trọng (Ứng Hòa, Hà Nội) có em trai là Nguyễn Trọng Ngọc, khi em ông lên 7 tuổi, do gia đình khó khăn nên mẹ ông đã cho gia đình ông bà Nguyễn Trọng Chuyển ở cùng huyện nhận nuôi em ông. Năm 1971, em ông Trọng nhập ngũ và hy sinh vào năm 1972. Đến nay ông bà Nguyễn Trọng Chuyển, bố mẹ nuôi của liệt sĩ Nguyễn Trọng Ngọc đã qua đời, người con (của vợ hai) ông Nguyễn Trọng Chuyển đang được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Ông Trọng hỏi, mẹ ông (hiện còn sống, năm nay 86 tuổi) có công nuôi dưỡng liệt sĩ đến năm 7 tuổi thì có được hưởng chế độ của Nhà nước không?

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì thân nhân liệt sĩ bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; Vợ hoặc chồng; Con; Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ được hưởng các chế độ ưu đãi như sau: Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử; Trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo các mức thân nhân của một liệt sĩ, thân nhân của hai liệt sĩ, thân nhân của ba liệt sĩ trở lên.

Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ nay cô đơn không nơi nương tựa thì được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng; Được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở; Được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần.

Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm; Được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước; khi chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào