Trường hợp nào nghỉ trước tuổi không bị trừ % lương hưu?
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì người lao động thuộc đối tượng lao động dôi dư khi cổ phần hóa công ty TNHH một thành viên là người đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty trước ngày 21/4/1998, bao gồm: Người lao động đang làm việc, khi cổ phần hóa, công ty đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm nhưng không bố trí được việc làm và người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của công ty nhưng không có việc làm (đang chờ việc), tại thời điểm cổ phần hóa công ty vẫn không bố trí được việc làm.
Căn cứ quy định nêu trên và nội dung hỏi của Công ty TNHH một thành viên In Tài chính, thì bà Nguyễn Thị Nga được tuyển dụng lần cuối vào công ty từ tháng 1/2001 và bà Trần Thị Kim Oanh được tuyển dụng lần cuối vào công ty từ tháng 5/2006 (sau ngày 21/4/1998) nên không thuộc đối tượng áp dụng chính sách đối với lao động dôi dư quy định tại Nghị định số 91/2010/NĐ-CP nêu trên.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động, người lao động dôi dư từ đủ 55 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đối với nữ và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu (không bị trừ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi) theo quy định tại khoản 1, ngoài ra còn được hưởng các khoản trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
Mức lương hưu của người lao động dôi dư theo quy định nêu trên được tính trên cơ sở số năm đóng BHXH của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật BHXH.
Thư Viện Pháp Luật