Trả lời về chế độ BHXH
1.Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động điều trị ngoại trú được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 11/1999/TTLT-BYT-BHXH ngày 22/6/1999 của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó quy định các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước; các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan BHXH mới được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ thanh toán trợ cấp ốm đau, thai sản.
Ngày 22/5/2012 BHXH Việt Nam có Công văn số 1898/BHXH-CSXH v/v cấp giấy xác nhận nghỉ ốm, nghỉ thai sản hưởng BHXH đối với các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, phòng khám đa khoa có giấy phép hoạt động hợp lệ do cấp có thẩm quyền cấp, có đăng ký với cơ quan BHXH thuộc địa bàn nơi bệnh viện, phòng khám làm việc thì được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ thanh toán trợ cấp ốm đau, thai sản.
Như vậy nếu cơ sở y tế cấp giấy xác nhận nghỉ ốm, nghỉ thai sản hưởng BHXH đối với bạn có đăng ký với cơ quan BHXH thì trường hợp bạn hỏi được thanh toán chế độ theo quy định.
2. Điều 31 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 quy định:
Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động được quy định như sau:
a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà Nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân các mức tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31/12/2000; 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31/12/2006; 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở đi.
b) Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do ngưởi sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
c) Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương tiền công do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH chung của các thời gian đó. Trong đó, thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại điểm a nêu trên. Trường hợp chưa dủ 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
d). Điều 59 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 quy định:
Người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương thuộc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định mà chuyển sang công việc khác thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định, đóng BHXH mức thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy mức lương cao nhất của số năm liền kề làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tương ứng với số năm quy định tại Điều 31 nêu trên để tính mức bình quân tiền lương làm cơ sở tính lương hưu.
Như vậy tiền lương bình quân để tính lương hưu đối với trường hợp bạn hỏi được tính theo quy định tại điểm a nêu trên./.
Thư Viện Pháp Luật