Bộ TTTT trả lời cử tri về hoạt động quảng cáo trên truyền hình
Thời gian qua, hoạt động quảng cáo trên truyền hình đã góp phần tăng nguồn thu đáng kể cho các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để các đài đầu tư trở lại cho việc hoạt động sản xuất chương trình, nâng cao chất lượng chương trình truyền hình. Nhờ vào nguồn thu từ quảng cáo, nhiều đài đã tự cân đối được chi phí để chi trả tiền lương, kinh phí sản xuất chương trình, giảm bớt được gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhiều đài phát thanh - truyền hình đã thực hiện theo cơ chế tự chủ tài chính và nguồn thu từ quảng cáo là nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của các đài. Đồng thời, hoạt động quảng cáo nói chung, quảng cáo trên truyền hình nói riêng cũng góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trong thực tế, hoạt động quảng cáo trên báo chí đã góp phần không nhỏ trong quảng bá sản phẩm hàng hóa, là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với thị trường và ngược lại, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trên báo chí vẫn tồn tại “một số quảng cáo quá sự thật về chức năng, công dụng của sản phẩm... gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng” như phản ánh của cử tri.
Luật Báo chí, Luật Quảng cáo quy định rõ các nội dung thông tin quảng cáo được phép đăng tải trên báo chí nói chung và phát thanh - truyền hình nói riêng. Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức, vị trí, thời lượng, diện tích quảng cáo trên phương tiện của mình. Cũng theo các quy định pháp luật về quảng cáo, sản phẩm trước khi quảng cáo trên báo chí phải có đầy đủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm của mình. Cơ quan báo chí trước khi cho đăng, phát sản phẩm quảng cáo phải kiểm tra, xác minh các giấy chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm quảng cáo, bảo đảm sản phẩm quảng cáo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép quảng cáo trên hệ thống các đài phát thanh và truyền hình. Hoạt động quảng cáo trên phát thanh, truyền hình do các đài tự chịu trách nhiệm và việc quảng cáo đối với từng sản phẩm (mặt hàng) cụ thể sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp phép. Ví dụ: Quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc... do Bộ Y tế cấp phép. Nếu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm quảng cáo, người tiêu dùng có thể liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hiện nay là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo) để đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo. Nếu quảng cáo không đúng sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nếu người tiêu dùng có khiếu kiện thì sẽ tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Loại bỏ những nội dung thông tin quảng cáo gây hiểu nhầm cho người xem
Để giải quyết các sai phạm trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh bức xúc trong dư luận xã hội, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách: Bộ đã yêu cầu các đài truyền hình chủ động rà soát chặt chẽ những chương trình quảng cáo trên truyền hình theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí, loại bỏ những nội dung quảng cáo có thông tin gây hiểu nhầm cho người xem về tính năng, tác dụng của sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí.
Bộ cũng đã có văn bản gửi các cơ quan có liên quan (Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế; Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa - Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính đối với việc phê duyệt kịch bản quảng cáo, nội dung giấy chứng nhận đối với sản phẩm và giới hạn của việc sử dụng thông tin trên giấy chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để quảng cáo trên truyền hình; loại bỏ những nội dung thông tin quảng cáo gây hiểu nhầm cho người xem. Còn nội dung quảng cáo nên để các cơ quan báo chí chủ động xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật về quảng cáo và báo chí, qua đó tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí đối với nội dung thông tin quảng cáo trên báo chí của mình.
Giải pháp tăng cường định hướng, chỉ đạo thông tin: Bộ sẽ tiếp tục tăng cường định hướng trong các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần về vấn đề quảng cáo; kịp thời có các văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, trong đó có các đài phát thanh, truyền hình trong việc phát sóng các chương trình quảng cáo.
Giải pháp về thanh, kiểm tra: Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó có sự phối hợp, tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương. Sẽ xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm, vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình. Nếu phát hiện có sai phạm liên quan đến công tác quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Tính đến tháng 11/2014, Bộ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đài Truyền hình Việt Nam do quảng cáo vượt quá số lần cho phép trong chương trình “Nhân tố bí ẩn” phát sóng lúc 21 giờ ngày 13/4/2014 trên Kênh VTV 3 và chương trình “Gương mặt thân quen” phát sóng lúc 21 giờ 10 phút ngày 14/6/2014 trên Kênh VTV 3 với tổng số tiền phạt là 100.000.000đ.
Thư Viện Pháp Luật