Chửi bới, làm phiền hàng xóm bị phạt thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, việc chửi bới của người hàng xóm có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng. Pháp luật quy định, gây rối trật tự công cộng là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy tố.
Theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trong trường hợp người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng với quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ một triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nếu hành vi chửi bới bị cho rằng xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, cụ thể: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…”.
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, hành vi đến trước nhà người khác để chửi bới của người hàng xóm là việc làm vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, khi người hàng xóm đó thực hiện hành vi chửi bới, gây rối bạn cần ghi âm hoặc quay phim lại để làm chứng cứ sau đó báo cáo lên Chủ tịch UBND cấp huyện để xử phạt hành chính hoặc báo cho cơ quan điều tra để cơ quan này xem xét.
Thư Viện Pháp Luật